Trong những năm gần đây, các cụm từ "đời sống thông minh", "nhà ở thông minh", "đô thị thông minh"... xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trong những lời giới thiệu của những dự án bất động sản mới nhất. Có thể thấy, trong xu hướng hội nhập và phát triển của thế giới, người dân ngày càng có nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đã nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm với lời giới thiệu đầy hứa hẹn về những dự án thông minh trong tương lai.
Xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, nằm trong chiến lược hội nhập và phát triển của đất nước. Song, vẫn còn khá nhiều bất cập để các dự án đô thị thông minh thực sự đáp ứng được những mục tiêu kỳ vọng.
Kỳ vọng phát triển đô thị thông minh
Mới đây, Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD đã chính thức được công bố. Dự án do Liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đầu tư.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Với tổng diện tích 272 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ - Huyện Đông Anh, dự án được chia làm 5 giai đoạn, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2028.
|
Quy hoạch Dự án khu đô thị phía Bắc Hà Nội. (Ảnh: BRG) |
Với Dự án Thành phố Thông minh, chủ đầu tư đã giới thiệu mô hình dự án với những tính năng thông minh vượt trội như: năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh.
Những tính năng thông minh thể hiện qua việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Dự án xây dựng không gian chung đầy đủ tiện ích và dịch vụ hiện đại, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, kỳ vọng giảm bớt được việc sử dụng phương tiện cá nhân. Hệ thống quản lý an ninh hiện đại, hệ thống giám sát, cảnh báo tối tân, kiểm soát ngập úng... được thiết lập để đáp ứng nhu cầu. Hệ thống lớp học ảo trên internet, liên kết với các giáo viên trên thế giới. Dự án xây dựng những không gian sống hiện đại với các dịch vụ đa dạng như hệ thống khách sạn và dịch vụ nghỉ dưỡng, nhà hàng, trung tâm mua sắm, hệ thống chăm sóc sức khỏe... Đặc biệt, dự án tập trung văn phòng của các tổ chức kinh tế hàng đầu, áp dụng đa dạng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo TTXVN đưa tin, dự án có sự phối hợp chặt chẽ của phía đối tác và Chính phủ Nhật Bản; đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có mục tiêu hình thành các chuỗi đô thị thông minh ở khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đưa đô thị trở thành một trong những động lực phát triển quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm tới đây.
Thiếu nền tảng thông minh để xây dựng đô thị thông minh
Một thành phố thông minh thực hiện được những tiêu chí như trên sẽ là giải pháp tối ưu để giải quyết những vấn đề bất cập như quá tải dân số, áp lực hạ tầng nội đô ở các thành phố lớn, và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều bất cập trong việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh trên cả nước.
Khái niệm "đô thị thông minh" được sử dụng trong Đề án phát triển đô thị thông minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khái niệm này cũng được sử dụng rộng rãi các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hiện chưa có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách cụ thể về đô thị thông minh. Hệ lụy của việc này dẫn đến các thành phố khi thực hiện xây dựng thành phố thông minh gặp khó, phải loay hoay trong quá trình triển khai các dự án thành phố thông minh.
Khó khăn đến từ việc thiếu nền tảng thông minh. Tại Việt Nam, trình độ ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong quản lý hạ tầng đô thị của TP.HCM còn thua kém các nước phát triển.
|
Thiếu nền tảng thông minh khiến cho việc xây dựng đô thị thông minh vẫn gặp khó. (Ảnh minh họa) |
Các dự án đô thị thông minh trên thế giới thường có mặt tại các nước như Mỹ, Anh, Nga, Pháp... với chi phí đầu tư rất lớn, thời gian triển khai lâu dài trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin phát triển cao.
Tại Đông Nam Á, Singapore đã phát triển trở thành một thành phố hiện đại mang tầm quốc tế. Nhờ nỗ lực của chính phủ nước này và việc triển khai dứt điểm và thành công nhiều sáng kiến, họ cũng đã xây dựng được lòng tin và sự uy tín. Cùng với mặt bằng trình độ công nghệ cao và cơ sở hạ tầng vững chắc, Singapore hiện đang dẫn đầu cuộc đua xây dựng thành phố thông minh toàn cầu.
Nhìn vào kinh nghiệm từ các nước, muốn phát triển đô thị thông minh, trước mắt Việt Nam cần thiết lập một nền tảng thông minh để tạo điều kiện cho các dự án thực hiện được theo đúng các tiêu chí đã đề ra và đạp ứng mục tiêu của Nhà nước.
Trong tương lai, Việt Nam cần tích cực ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành mọi lĩnh vực, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận hành các đô thị thông minh.
Theo MTĐT