Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Khơi thông ‘điểm nghẽn’ trong kinh tế nền tảng

DTVN 08:12 22/11/2019

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nhằm phát huy tối đa các điều kiện nội tại cũng như lợi thế kinh tế nền tảng để phát triển nền kinh tế một cách bền vững cần khơi thông điểm nghẽn.

Trong hơn một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của kinh tế nền tảng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, mạng xã hội, hàng tiêu dùng, giáo dục, năng lực, tài chính, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cung ứng lao động, dịch vụ hậu cần và giao hàng, bán lẻ, vận tải, du lịch.

Các nền tảng được cho là có thể giúp cải thiện năng suất, giảm chi phí kinh doanh, giảm các khâu thiếu hiệu quả của các mô hình kinh doanh hiện tại, tạo ra nhu cầu mới, thị trường mới, gia tăng sự linh hoạt, cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường cho người lao động và doanh nghiệp. Đến nay loại phổ biến nhất là nền tảng giao dịch còn được gọi là trung gian kỹ thuật số.

Kinh tế nền tàng ngày càng “ăn sâu” vào nhiều lĩnh vực Nhận định về tình hình của kinh tế nền tảng hiện nay, TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR chia sẻ: Hiện nay, trên thế giới mô hình kinh tế nền tảng đang “ăn sâu” và tác động mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực từ tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận tải và du lịch hay cung ứng lao động… của các nền kinh tế. Có thể hiểu kinh tế nền tảng (Platform Economy) là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng nhất định và thường được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số. Mô hình kinh tế này cũng không quá xa lạ với người Việt, ngày càng nhiều người làm giàu từ nó.

Để làm rõ hơn về kinh tế nền tảng này, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TDT Group Nguyễn Thế Trung cho biết: Dựa trên mục đích sử dụng có thể chia kinh tế nền tảng thành hai loại gồm: nền tảng giao dịch (transaction platform) được sử dụng để tối ưu hóa giao dịch giữa những người tiêu dùng và người bán (Amazon, Ebay, Lazada…); nền tảng sáng tạo (innovation platform) thực hiện vai trò là nền móng phát triển nên các nền tảng kinh doanh và hình thành hệ sinh thái giữa các nền tảng thế hệ sau đó (Apple App Store, Google Play…).

Đánh giá về tác động của kinh tế nền tảng tới Việt Nam, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Cách mạng Công nghệ 4.0 đã trở thành xu hướng, có khả năng dẫn dắt tạo ra tác động lớn nhất đối với nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam đang đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra một hệ sinh thái kinh tế mạnh mẽ. Từ đó, giúp Việt Nam nắm bắt thành công các cơ hội do công nghệ kỹ thuật số mang lại và quản lý các thách thức đi kèm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu mang lại, theo ông Hiếu, mô hình kinh tế nền tảng vẫn còn những hạn chế, rủi ro. Mặc dù những năm qua Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực để thích nghi với sự phát triển của kinh tế thế giới, khoa học công nghệ như: chuyển đổi số, mở rộng hành lang pháp lý, cải cách các thủ tục hành chính... nhưng, sự chuyển đổi này vẫn quá chậm chạp.

Điều này sẽ khiến những vấn đề tiêu cực nảy sinh nhiều hơn, quyền lợi của con người, xã hội và nền kinh tế đều chậm phát triển.. Mặt khác, sự ra đời của hình thức vận tải mới là Grab và Uber khiến các cơ quan quản lý không khỏi bối rối và “đau đầu”. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh online đem lại sự thuận lợi cho người dùng và kích thích khách hàng mua sắm. Tuy nhiên chính điều này lại gây khó khăn với các cơ quan quản lý do giao dịch thương mại điện tử khó nhận dạng, khó kiểm chứng thông tin và khó truy thu thuế.

Do vậy, ông Hiếu cho rằng, để phát huy tối đa các điều kiện nội tại cũng như lợi thế của kinh tế nền tảng để phát triển nền kinh tế một cách bền vững, điều đầu tiên cần làm là thay đổi về mặt chính sách.

Theo đó, phải khơi thông “điểm nghẽn” quan trọng nhất trong sự phát triển của kinh tế nền tảng tại Việt Nam là hành lang pháp lý. Việc cải cách thể chế sẽ thu hút đầu tư công nghệ số trong nhiều lĩnh vực và tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Mặc dù hiện các nước đã phát triển đang nắm được phần nhiều nền tảng của thế giới nhưng theo ông Hiếu, Việt Nam vẫn có thể tạo ưu thế riêng từ việc tiếp thu kinh nghiệm, tri thức, dữ liệu từ các nước phát triển, đồng thời tận dụng những điều kiện tự nhiên, con người để phát triển nền tảng riêng.

Theo VietQ

Link gốc : http://vietq.vn/khoi-thong-diem-nghen-trong-kinh-te-nen-tang-d166191.html

Bạn đang đọc bài viết Khơi thông ‘điểm nghẽn’ trong kinh tế nền tảng tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn