Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Lửa thử vàng, Covid thử sức bền doanh nghiệp

VIETQ 07:55 20/06/2021

Ở góc nhìn lạc quan, có thể nói, đại dịch Covid-19 như một lần thử lửa để khẳng định sức chống chịu, sự linh hoạt, nhạy bén, thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam trước các cú sốc...

Đạo kinh doanh là phát triển bền vững

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường khiến nhiều ngành kinh tế quan trọng đã và đang trải qua quãng thời gian đầy khó khăn và sóng gió. Từ đó, bài toán về phát triển bền vững càng trở nên cấp bách, đòi hỏi những người đứng đầu doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi và sớm đưa ra kế hoạch ứng phó vượt khủng hoảng.

Ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc Công ty May 10 chia sẻ: May mặc, thời trang là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Tuy nhiên, suốt thời gian xảy ra dịch đến nay, May 10 không sa thải một công nhân nào, đảm bảo việc làm đầy đủ và thu nhập cho người lao động. Để duy trì hoạt động, May 10 vẫn đang tìm các biện pháp để thay đổi, tổ chức lại sản xuất.

“Qua bài học kinh nghiệm sau khủng hoảng, chúng tôi cho rằng, để phát triển bền vững thì doanh nghiệp phải tập trung vào ngành lõi của mình, khai thác tối đa các lĩnh vực. Đối với xuất khẩu, chúng tôi sẽ làm thêm những chủng loại mà khách hàng yêu cầu, những gì có thể khai thác tối ưu hiệu quả sản xuất, ngoài quần áo, chúng tôi đã sản xuất cả túi học sinh, túi ngủ, túi đựng bút, mũ cho quần áo đồng phục…” - ông Việt cho biết.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, trong bối cảnh bình thường khi nói về phát triển bền vững, khả năng chống chịu thì sức thuyết phục còn hạn chế. Thế nhưng khi dịch bệnh, chiến tranh thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xảy ra đã dạy cho các doanh nghiệp một bài học thấm thía về tăng cường khả năng chống chịu là phải đi theo con đường phát triển bền vững.

Thực tế chỉ ra, đối với các doanh nghiệp trong những năm qua âm thầm định hướng con đường phát triển bền vững thì trong bối cảnh đại dịch, họ trụ vững khá tốt, thậm chí có cơ hội để phát triển. Còn những doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng tới mô hình phát triển bền vững thì mỗi khi có biến động thị trường, lập tức rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phá sản, giải thể, rút lui khỏi thị trường.

Khát vọng vượt lên, thay đổi

Chia sẻ về câu chuyện phát triển bền vững, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Covid-19 mang lại bài học quý giá cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc định hình lại tương lai cũng như mô hình, chiến lược kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững, coi trọng vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội... đó là lựa chọn không thể khác. Điều này không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn hay những nhà quản trị quốc gia mà phải trở thành tâm thế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Kinh doanh có trách nhiệm, bền vững là đạo kinh doanh nếu chúng ta muốn đi dài trên con đường kinh doanh.

“Tôi thấy chưa bao giờ doanh nhân Việt lại bàn nhiều và thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về quản trị rủi ro, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững như bây giờ. Tôi cảm nhận được khát vọng thực sự của họ về sự vượt lên, thay đổi” - ông Lộc nói.

Để tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp lên một mức cao hơn nữa, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lộc cho rằng, một mặt chúng ta cần nâng cao năng lực phát triển bền vững, mặt khác, phải có một hệ thống chính sách Nhà nước dẫn đường và yểm trợ cho những nỗ lực đó. Hiện, VCCI cũng đã thống nhất với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) sẽ cùng các đối tác xây dựng Chương trình nâng cao năng lực để chống chịu, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Lộc, muốn doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững, chúng ta cần hệ sinh thái thích hợp, hệ thống chính sách của Chính phủ ổn định, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. “Chúng ta có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư nhưng tới thời điểm hiện nay, chúng ta chưa đạt mục tiêu đặt ra là trở thành một trong 4 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN. Cộng đồng doanh nghiệp hy vọng, 5 năm tới, chúng ta sẽ đạt mục tiêu này. Nếu làm được điều này, tôi tin doanh nghiệp sẽ có bước phát triển mạnh mẽ”- ông Lộc chia sẻ.

Đồng thời, ông Lộc khuyến nghị, doanh nghiệp cần nâng cấp hoạt động quản trị, nỗ lực định hình lại tương lai của mình. Phát triển bền vững và chuyển đổi số không phải là lựa chọn mà là con đường bắt buộc. Sắp tới, VCCI sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm lan toả mô hình phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp từ khi mới sinh ra đã đặt mình trong trào lưu phát triển bền vững và chuyển đổi số…

Link gốc : http://vietq.vn/lua-thu-vang-covid-thu-suc-ben-doanh-nghiep-d188200.html

Bạn đang đọc bài viết Lửa thử vàng, Covid thử sức bền doanh nghiệp tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn