Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Vì sao năm 2019 Licogi trở lại con đường thua lỗ trắng tay?

DTVN 09:44 13/02/2020

Tưởng chừng như năm 2018 Licogi đã ngăn được đà lỗ sau cổ phần hóa, nhưng kết quả thu về kém khả quan trong năm 2019 một lần nữa đẩy cựu thành viên Bộ Xây dựng vào ám ảnh thua lỗ.

Lãi quý IV/2019 tăng đến 85% nhưng cả năm lỗ 56 tỷ đồng

Tổng Công ty Licogi - CTCP (UPCoM: LIC) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2019.

Cụ thể, công ty đạt doanh thu thuần gần 984 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp theo đó gia tăng đến 71%, đạt hơn 113 tỷ đồng.

Nhờ vậy, Licogi đạt kết quả lãi ròng gần 24 tỷ đồng, tăng 79% so với quý 4/2018, bất chấp việc gia tăng đáng kể chi phí bán hàng cũng như ghi nhận khoản lỗ khác hơn 14 tỷ đồng.

Do kết quả kinh doanh bết bát trong 3 quý đầu năm, Licogi vẫn lỗ ròng lũy kế hơn 56 tỷ đồng trong năm 2019. Khoản lỗ này khiến lỗ luỹ kế tại ngày 31/12/2019 của công ty lên đến 577 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2019, LIC mang về gần 2,343 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10% so với năm 2018. Khoản thu tài chính cũng đi lùi 41%, đạt hơn 81 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 12/2019, đơn vị này có tổng tài sản gần 4,416 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn ghi nhận ở mức 2,317 tỷ đồng, tài sản dài hạn ghi nhận gần 2,279 tỷ đồng. Các khoản phải thu của LIC đang ở mức 1,204 tỷ đồng, tăng 3% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho thể hiện gần 647 tỷ đồng, thu hẹp 10%.

Đáng kể, khoản nợ phải trả của đơn vị này thể hiện gần 4,006 tỷ đồng, khá cao so với vốn chủ sở hữu 410 tỷ đồng. Khoản nợ vay của LIC chủ yếu là nợ ngắn hạn với 3,589 tỷ đồng, trong đó, vay và nợ thuê tài chính chiếm gần 1,866 tỷ đồng.

LIC ghi nhận khoản tiền và tương đương tiền cuối năm 2019 ở mức gần 192 tỷ đồng, tăng 76% so với con số năm 2018.

Như vậy sau năm 2018 kinh doanh có lãi trở lại, công ty này ngậm ngùi báo lỗ như 2 năm trước đó, năm 2016 và 2017 Licogi lỗ lần lượt là 414 tỷ đồng và 66 tỷ đồng.

“Sa lầy” trong dự án Thịnh Liệt

Licogi cho biết, 2019 là một năm khó khăn đối với hoạt động kinh doanh. Để cân bằng lại nguồn tài chính, Công ty sẽ đẩy nhanh công tác thoái vốn tại các công ty con, đồng thời quyết liệt và nhanh chóng hơn trong công tác thu hồi công nợ, đặc biệt là các khoản nợ lớn, kéo dài nhằm cân đối lại dòng tiền, đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Licogi cũng đẩy mạnh triển khai dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt để giải quyết vấn đề về việc làm cho người lao động.

Tại thời điểm cuối năm 2019, công ty có tổng tài sản hơn 4.416 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 2.137 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm gần 2.279 tỷ đồng.

Công ty ghi nhận khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Khu đô thị Thịnh Liệt số tiền hơn 1.009 tỷ đồng, tăng 3% so với hồi đầu năm.

Mặt khác, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn thể hiện gần 1.950 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so đầu năm. Vay nợ và thuê tài chính của Công ty chủ yếu là các khoản ngắn hạn.

Licogi tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước nằm trong danh sách những doanh nghiệp chuyên ngành mạnh của Bộ Xây dựng, có mặt trên nhiều công trình trọng điểm của quốc gia.

Ngày 11/12/2014, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cổ phần hoá Công ty mẹ- Tổng Công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi). Tháng 4/2015, Licogi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và sau đó ký hợp đồng bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Kinh doanh và bất động sản Khu Đông, với tỷ lệ sở hữu là 35% vốn điều lệ.

Hiện, Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 40,71% vốn Nhà nước tại Licogi.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-nam-2019-licogi-tro-lai-con-duong-thua-lo-trang-tay-d70129.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao năm 2019 Licogi trở lại con đường thua lỗ trắng tay? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp