Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Vì sao doanh nghiệp nông sản chưa mặn mà với vận chuyển đường sắt, hàng không?

DTVN 09:49 09/09/2020

Chiều 8/9, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp nông sản với đường sắt, hàng không.

Theo PLO, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt gần 25,5 tỉ USD, trong đó có 6/9 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch trên 2 tỉ USD.

Tuy nhiên, chi phí logistics đang khiến xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, bị giảm tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Kết quả khảo sát DN logistics về phương thức vận tải để vận chuyển hàng nông sản và hàng lạnh cho thấy đường bộ vẫn được lựa chọn hàng đầu. Nguyên nhân là đường bộ có sự linh hoạt, thời gian vận chuyển nhanh và cũng là phương thức truyền thống, đặc biệt là đối với xuất khẩu sang các thị trường có chung đường biên giới với nước ta.

Sau đường bộ, các DN ưu tiên lựa chọn đường biển do chi phí thấp, thích hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường xa và với các mặt hàng có tính thời vụ thấp.

“Việc chỉ tập trung khai thác vận tải đường bộ trong vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu đã ảnh hưởng nhất định đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam do chi phí vận tải đường bộ khá cao. Bên cạnh đó vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu do năng lực thông quan không đáp ứng được lượng hàng hóa xuất khẩu lớn khi vào dịp cao điểm” - ông Hải đánh giá.

Vận chuyển hàng không có lợi thế là giảm rủi ro về chất lượng sản phẩm nhưng chi phí cao.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T - chuyên xuất khẩu nông sản, trái cây vào Hoa Kỳ, Australia…, cho biết: vận chuyển hàng không có lợi thế là giảm rủi ro về chất lượng sản phẩm, đặc biệt sản phẩm cần phải bảo quản.

Tuy nhiên, khó khăn là giá cước vận chuyển khá cao. Đơn cử như các chuyến bay vào Hoa Kỳ, Canada chỉ có 4 hãng hàng không, nên nếu hãng nâng giá vẫn phải chấp nhận.

Còn với vận chuyển bằng đường sắt, doanh nghiệp này cũng không lựa chọn vì phải qua nhiều khâu trung chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

"Hàng phải chở ra ga Sóng Thần để vận chuyển ra ga Đồng Đăng sang Trung Quốc, trong khi đường bộ thì xe container tới tận nơi vận chuyển qua Trung Quốc ngay. Phương thức này giúp hàng vận chuyển đảm bảo tốt nhất, nên đường sắt chỉ vận chuyển được hàng đông lạnh, còn hàng trái cây nhạy cảm, bị sốc nhiệt thì sẽ bị thiệt hại" - ông Tùng nói.

Theo ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh (Tổng công ty đường sắt Việt Nam), 6 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng có khối lượng là 864.000 tấn nhưng lượng hàng xuất khẩu bằng đường đường sắt khiêm tốn khi chỉ đạt hơn 17.000 tấn, chiếm 1,8%.

Trong khi đó, vận tải đường sắt cũng có những ưu thế nhất định như khối lượng lớn, gồm cả hàng đông lạnh, tự hành. Tuyến tàu liên vận quốc tế từ Việt Nam đi nhiều nước, hiện cung cấp dịch vụ trọn gói dịch vụ xuất nhập khẩu chính ngạch như thông quan tại cửa khẩu mà không phải lo lắng về việc vượt tải trọng, thông quan.

Vận chuyển đường sắt phải qua nhiều khâu trung chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm

Đáng chú ý là chi phí vận chuyển có tính cạnh tranh hơn. Đơn cử với mặt hàng tinh bột sắn, quãng đường từ Tuy Hòa đến Đồng Đăng vận chuyển bằng đường sắt là 396.000 đồng/tấn (chưa gồm VAT và bốc xếp hai đầu), thì vận chuyển bằng đường bộ lẫn đường biển là 400.000 đồng/tấn (chưa VAT và bốc xếp hai đầu). Riêng vận chuyển 100 % bằng đường bộ có giá lên đến 1 triệu đồng/tấn.

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không VietJet Air, cũng thừa nhận hiện giá cước hàng không quá cao, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19. Lý do là các máy bay hành khách tạm dừng các đường bay quốc tế, trong khi chưa có các chuyến bay chuyên vận chuyển hàng hóa. Điều này dẫn đến hệ quả là các sản phẩm nông nghiệp nước ta hầu như rất khó xuất khẩu và khó cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp của các nước khác.

Cạnh đó, các hãng hàng không trong nước phát triển mạnh nhưng quy mô vẫn nhỏ so với các hãng nước ngoài. Các hãng trong nước hiện chỉ tập trung khai thác bụng máy bay hành khách mà chưa đầu tư vào máy bay chuyên chở hàng hóa.

“Các hãng hàng không nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế đến gần 90%. Do đó, tôi cho rằng cần có một hãng hàng không với đội máy bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt như bưu điện... Có như vậy giá cước phí máy bay mới giảm được” - ông Quang đề xuất.

Ông Quang cũng kiến nghị phải đầu tư mạnh vào hệ thống logistics phục vụ lưu trữ, bảo quản, thông quan nhằm bảo đảm chất lượng xuất khẩu của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Khuếch trương chính sách “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trong vận chuyển và phân phối sản phẩm.

Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-doanh-nghiep-nong-san-chua-man-ma-voi-van-chuyen-duong-sat-hang-khong-d82122.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao doanh nghiệp nông sản chưa mặn mà với vận chuyển đường sắt, hàng không? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Sau đợt giãn cách xã hội lần 1, du lịch nội địa bắt đầu khởi sắc. Nhưng đợt dịch lần 2 bùng phát trong cộng đồng tại TP Đà Nẵng đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành "công nghiệp không khói".