Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Vì sao cổ phiếu của Vietnam Airlines bị dừng giao dịch ký quỹ?

DTVN 10:44 11/09/2020

6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 6.678 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ đồng.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HSX) vừa thông báo đưa cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào danh sách chứng khoán không được giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng là số âm.

Theo đó, Công ty vừa công bố BCTC hợp nhất soát xét giữa niên độ 2020, trong đó kiểm toán nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Chi tiết, tại ngày 30/6/2020, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines cao hơn 18.444 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn. Trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày, Công ty lỗ 6.678 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn tính tại ngày 30/6 giảm gần 10.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, còn khoảng 66.670 tỷ đồng, trong đó hơn 55.000 tỷ đồng là các khoản nợ phải trả.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh của tổng công ty. Theo đó, khả năng hoạt động liên tục trong 12 tháng tới sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp cũng như diễn biến của dịch bệnh.

Với Vietnam Airlines, đây là lần thứ hai doanh nghiệp bị đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ trong năm nay.

Thua lỗ nặng vì dịch Covid, lợi nhuận âm, Vietnam Airlines cạn kiệt dòng tiền

Ngoài việc cắt giảm triệt để các chi phí sản xuất, chấp nhận giảm lương của người lao động, ngay khi dịch Covid – 19 mới bùng phát tại Trung Quốc, hãng đã sớm chủ động đàm phán với các đơn vị cho thuê tàu bay, các định chế tài chính trong và ngoài nước, qua đó đạt được những thỏa thuận rất tích cực, thậm chí có đơn vị cho thuê tàu bay chấp nhận hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này cũng chỉ giúp Vietnam Airlines giảm bớt được một phần khó khăn. Theo dự báo, sản lượng cả năm của Vietnam Airlines sẽ giảm 48% so với 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng/tháng, sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cố định hàng tháng 2.100 tỷ đồng/tháng chủ yếu là thuê tàu bay (1.300 tỷ đồng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công.

Với các đơn vị thành viên như Jetstar Pacific, sản lượng tháng Sáu giảm 64% so cùng kỳ, lỗ 1.200 tỷ đồng, doanh thu giảm 64,2%. Hãng hàng không K6 sản lượng giảm 24,9, doanh thu giảm 27,4 và lỗ 14,5 triệu USD.

“Tôi gần như cả đời làm tài chính hàng không nhưng chưa bao giờ chứng kiến tác động tiêu cực nào lại lớn như dịch Covid – 19 đối với ngành hàng không thế giới. Tất cả các hãng hàng không đều như bị mất máu đột ngột, vỡ động mạch chủ”, ông Hiền cho biết.

Nhận định của Kế toán trưởng Vietnam Airlines được dựa trên tình hình thực tiễn tại Việt Nam cũng như đánh giá của các tổ chức hàng không trên thế giới.

Cách đây hơn 1 tháng, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo ngành hàng không sẽ bị giảm doanh thu 314 tỷ USD. Tuy nhiên, đến ngày 9/6 vừa qua, con số này đã lên tới 419 tỷ USD và khoản lỗ sẽ vọt lên 84 tỷ USD. Ngay cả khi dịch Covid -19 được khống chế vào quý III/2020 thì cũng phải đến cuối năm 2022, ngành hàng không mới có thể về lại trạng thái cuối tháng 12/2019.

Các tổ chức quốc tế cho rằng cần 250 tỷ USD hỗ trợ cho các hãng hàng không. Hiện, ngày 15/5, các hãng hàng không trên thế giới mới hỗ trợ 120 tỷ USD. Đặc biệt, Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) nhận định, đến cuối tháng 5/2020, hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không nhận được các nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia.

“Hầu như không còn hãng nào còn tiền trên tài khoản do dịch COVID-19 đã “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới), trong đó phần khách mua vé trước đây phải hoàn vé rất kinh khủng. Chỉ trong khoảng từ giữa tháng 2 đến tháng 2/2020, Vietnam Airlines phải hoàn lại 4.000 tỷ đồng cho khách, mất 1 lượng lớn tiền mặt trong tài khoản,” ông Hiền nói.

So với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã phải tuyên bố phá sản, Vietnam Airlines tuy lỗ nặng nhưng vẫn trụ được vì trước dịch hãng có tiềm lực tài chính lành mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2019 hãng đang có 4.000 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản nhưng cũng chỉ giúp Vietnam Airlines cầm cự đến tháng 9/2020 và sẽ sớm cạn kiệt dòng tiền nếu như không nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-co-phieu-cua-vietnam-airlines-bi-dung-giao-dich-ky-quy-d82275.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cổ phiếu của Vietnam Airlines bị dừng giao dịch ký quỹ? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp