Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Tisco: Sa lầy ở dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 hơn 5.500 tỷ

Mai Hương(T/H) 16:15 14/08/2020

Dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 được triển khai từ 2007, việc đầu tư đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành tổng chi phí đầu tư dự tính đến thời điểm 30/6 là 5.504 tỷ.

Tisco: Sa lầy ở dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2

Trong báo cáo soát xét 6 tháng 2020 của CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco), đơn vị kiểm đã đưa ra nhiều kết luận ngoại trừ cũng như nhấn mạnh.

Theo đó, dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành tổng chi phí đầu tư dự tính đến thời điểm 30/6/2020 là 5.504 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay đã vốn hoá 2.296 tỷ đồng.

Dự án TISCO II xây dựng từ 2007 đến nay chưa xong, đang để lại nhiều hệ lụy khó gỡ.

Hiện Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án. Do vậy, đơn vị kiểm toán không thể xác định được những tổn thất có thể có liên quan đến dự án trên cũng như ảnh hưởng của các vấn đề này đến báo cáo tài chính.

Hiện nay, cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án.

Một trong những hành vi nghiêm trọng nhất của dự án là TISCO không hề lập dự toán, mà chỉ sử dụng số liệu của đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam (VINAICON) để trình VNS, các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt chi phí phát sinh phần C trong hợp đồng EPC lên tới 15,57 triệu USD. Số tiền này được xác định là không có căn cứ để chi.

Quá trình điều tra, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định số thiệt hại khoảng trên 850 tỷ đồng.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, tại ngày 30/6/2020, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của công ty là 3.051 tỷ đồng, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả liên quan đến dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán.

Những sự kiện này, cùng với các vấn đề trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắc giữa niên độ cho kỳ kế toán.
Bên cạnh đó, CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Thái Trung là công ty con của Tisco được thành lập năm 2011, đang trong giai đoạn đầu tư với hoạt động kinh doanh chính là thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, công ty tạm dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục xin giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. Do đó, số liệu của công ty con CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Thái Trung đang dùng để hợp nhất số liệu của báo cáo tài chính năm 2014.
3 phương án xử lý được đề ra đối với Dự án TISCO II

Mặc dù Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 vẫn còn xây dựng dở dang nhưng về tổng thể, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vẫn có lợi nhuận, nộp ngân sách, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng từ Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nên kết quả sản xuất, kinh doanh của TISCO ngày một giảm dần.

Nếu như năm 2017, doanh thu đạt 9.824 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 121,2 tỷ đồng, nộp ngân sách 394 tỷ đồng thì đến 2018, doanh thu 12.254 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 35,95 tỷ đồng, nộp ngân sách 186 tỷ đồng.

Theo Đề án 1468, có 3 phương án xử lý được đề ra đối với Dự án TISCO II, bao gồm: Bán dự án; Kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án và cuối cùng là phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu TISCO. Ưu tiên với dự án này là lựa chọn Phương án 3 (thoái vốn nhà nước, tái cơ cấu TISCO) và đang thực hiện tái cơ cấu theo hướng này.
Đến nay việc giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC với Tổng thầu MCC của Trung Quốc không thực hiện được; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã từ chối giải chấp nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam cho TISCO tại Ngân hàng này.
Để thực hiện Phương án thoái vốn của Vnsteel tại TISCO theo trường hợp thứ 2 ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (thoái vốn trong trường hợp không giải quyết được vướng mắc về EPC và giải chấp của ngân hàng, cần làm rõ: Văn bản pháp lý áp dụng cho việc thoái vốn (Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Điều 31 Luật số 69/2014/QH13); Thẩm quyền quyết định việc thoái vốn; Việc xử lý đối với các mỏ sắt mà Tisco đang quản lý.
Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Tisco là 9.775 tỷ đồng, tăng nhẹ 271 tỷ so đầu kỳ. Trong cơ cấu nợ, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn vẫn tiếp tục tăng lên 2.797 tỷ đồng và 2.077 tỷ đồng.
Tisco ghi nhận âm 163 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá hối đoái. Trong khi đó, lợi nhuận 6 tháng 2020 giảm mạnh 62% về vỏn vẹn hơn 14 tỷ đồng.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tisco-sa-lay-o-du-an-mo-rong-gang-thep-giai-doan-2-hon-5500-ty-d80744.html

Bạn đang đọc bài viết Tisco: Sa lầy ở dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 hơn 5.500 tỷ tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp