Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Tỉ phú Thái Lan thâu tóm Sabeco bán cho Trung Quốc?

DTVN 17:43 19/12/2019

Nhà đầu tư Tập đoàn ThaiBev của tỉ phú Thái Lan gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi chi gần 5 tỉ USD để mua 53,59% cổ phần của Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Ngày 11-12 vừa qua, Bộ Công Thương vừa thông báo có một nhà đầu tư đã đăng ký mua số lượng lớn cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Nhà đầu tư trên là Tập đoàn ThaiBev của tỉ phú Thái Lan gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi khi chi gần 5 tỉ USD để mua 53,59% cổ phần của Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Sabeco hiện vẫn đang đem nguồn thu lớn cho Thaibev, trong năm qua mang về cho họ hàng ngàn tỉ đồng tiền cổ tức.

Sabeco được bán cho Trung Quốc?

Tại đại hội cổ đông thường niên của Sabeco vừa qua, một cổ đông đã đứng lên chất vấn HĐQT Sabeco với câu hỏi có thông tin cho rằng Sabeco đang được bán cho Trung Quốc (TQ).

Đại diện Thaibev khẳng định những người đại diện cho quỹ đầu tư F&N hay Thaibev đang nằm trong HĐQT Sabeco không có người nào là người TQ. Một trong những phương pháp kiểm tra là cổ đông có thể xem trên các công bố thông tin của Sabeco để kiểm tra lý lịch, quốc tịch những người đang đại diện hay sở hữu cổ phần Sabeco. Đây là những tin đồn thất thiệt và không phải đồn đoán một lần nên mong cổ đông đừng nghe theo những tin đồn này.

Một chuyên gia bình luận đây là câu trả lời mang tính trấn an hơn là đi vào thực chất, vì không giúp cổ đông xác định đúng vấn đề, vì lý lịch hay quốc tịch cổ đông không nói lên bất cứ điều gì, mặc dù ba thành viên HĐQT và tổng giám đốc mang quốc tịch Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn vào các quy định của pháp luật lẫn điều lệ công ty để trả lời cho câu hỏi liệu người Thái có bán Sabeco.

Bởi theo luật sư Phương, khi Sabeco tìm cổ đông chiến lược, ngoài các quy định nhà đầu tư chiến lược phải cùng ngành nghề, có tiềm lực tài chính, phát triển và giữ gìn thương hiệu thì một quyết định quan trọng khác là cổ đông chiến lược không được chuyển nhượng cổ phần trong vòng năm năm kể từ ngày mua. Và quy định này cũng được ghi rất cụ thể tại điều lệ Sabeco phát hành năm 2018.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thực tế là đến lúc này chưa có lý do gì để người Thái phải chuyển nhượng số cổ phần trị giá 5 tỉ USD của mình, bởi vì người Thái đã mất thời gian nỗ lực, từ việc trở thành cổ đông chi phối cho đến đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt để chính thức giành quyền kiểm soát tại Sabeco và hiện nay đang thu lợi tức khá tốt tại Sabeco.

Dưới góc nhìn này có thể thấy rất rõ, nếu nhìn về khoản tiền đầu tư của Thaibev. Mức giá họ trả cho đợt chào bán cổ phần nhà nước là kỷ lục với hơn 300.000 đồng/cổ phiếu đã đẩy thương vụ này lên giá trị gần 5 tỉ USD và đến thời điểm chưa một lần nào giá cổ phiếu Sabeco quay lại mức đó.

Tổng Giám đốc Sabeco Neo Gim Siong Bennett từng cho biết Thaibev đã nắm quyền lực và giờ đã đến lúc biến công ty này thành bàn đạp để mở rộng kinh doanh ra khu vực nước ngoài, đồng thời cũng rộng đường tái cấu trúc để đưa Sabeco hoạt động hiệu quả hơn.

“Không ai bỏ 5 tỉ USD để phá hủy một thương hiệu và chúng tôi đang làm cho Sabeco ngày càng mạnh mẽ trên thị trường Việt Nam” - ông Neo Gim Siong Bennett nói.

Giới phân tích cho rằng tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Thaibev, đơn vị nắm vai trò chi phối tại Sabeco không đơn thuần nhìn Sabeco là bệ phóng cho tăng trưởng lợi nhuận thông qua đóng góp cổ tức cho Thaibev. Mục tiêu của ông có thể còn nằm ở những mảnh đất vàng tại TP.HCM.

Tương lai vẫn có thể bán

“Có thể lúc này chưa phải thời điểm chuyển nhượng nhưng trong tương lai có khả năng xảy ra. Chúng ta nhìn thấy các hoạt động của Thaibev đang làm rất tốt cho Sabeco từ đầu tư nguồn lực, tái cấu trúc, xây dựng hệ thống phân phối, đưa thương hiệu ra thị trường nước ngoài, những tuyên bố cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ ngoại. Họ sẽ làm được điều đó vì đủ lực. Nhưng động thái này dẫn đến một khả năng khác giúp bán được giá cổ phần hơn” - ông Phương nói.

Việc thoái vốn sẽ diễn ra nếu doanh nghiệp không đạt được mục đích ở đây là Sabeco đem lại cho Thaibev cơ hội mở rộng thị phần và đánh chiếm khu vực Đông Nam Á. Lợi nhuận không như kỳ vọng cũng khiến họ trao tay cho chủ đầu tư khác. Hoặc nếu nhà đầu tư nào trả giá cao hơn số tiền đã mua thì họ hoàn toàn có thể bán để kiếm lợi.

“Tuy nhiên, không loại trừ khả năng 36% phần vốn nhà nước còn lại sẽ được thoái trong tương lai mà Thaibev nhiều lần khẳng định muốn mua luôn số cổ phần này. Do đó, Thaibev vẫn duy trì sự hiện diện của mình để tiếp tục tái cơ cấu toàn diện Sabeco giúp nâng cao hiệu quả hoạt động Sabeco để hưởng lợi và chờ đợi thông tin Nhà nước thoái vốn để mua lại. Hoàn thiện các việc này, lúc đó việc quyết định chuyển nhượng sẽ được tỉ phú Thái tính đến” - ông Phương bình luận.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thì khẳng định sau thời hạn năm năm ràng buộc cổ đông chiến lược thì người Thái hoàn toàn có thể chuyển nhượng cổ phần của mình đúng các quy định của pháp luật.

“Cũng không nên đặt nặng vấn đề ai sở hữu Sabeco, vì việc bỏ nguồn lực đầu tư lớn chắc chắn không nhà đầu tư nào loại bỏ thương hiệu mà phải duy trì để phát triển. Một trường hợp điển hình là Vinamilk, việc Nhà nước thoái vốn tại đây và xuất hiện nhiều cổ đông nước ngoài đã đem lại hiệu quả kinh doanh và biến Vinamilk trở thành công ty sữa hàng đầu tại Việt Nam” - ông Hiếu chia sẻ.

Mộc Diệp (T.H) / Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ti-phu-thai-lan-thau-tom-sabeco-ban-cho-trung-quoc-d67404.html

Bạn đang đọc bài viết Tỉ phú Thái Lan thâu tóm Sabeco bán cho Trung Quốc? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp