Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

Tăng vốn để củng cố tăng trưởng, BIDV đối mặt với rủi ro pha loãng giá cổ phiếu BID

DTVN 08:45 13/12/2019

VCSC cho rằng, những rủi ro với BIDV đến từ việc tăng vốn để củng cố tăng trưởng, dẫn đến rủi ro pha loãng giá cổ phiếu BID. Ngoài ra, khủng hoảng ngành ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến chi phí tín dụng.

Ngày 15/11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 22 thay đổi quy định giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng (LDR). Theo đó, từ ngày 1/1/2020, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) tối đa ở mức 85% cho tất cả ngân hàng.

Theo tính toán tỷ lệ LDR được Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đưa ra, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) ở mức 84% (chỉ thấp hơn VietinBank một chút khi đang ở mức 85,5%) trong quý I/2019. Bên cạnh đó, KBSV đánh giá việc, nếu ngân hàng này chưa đạt chuẩn Basel II sẽ khiến cho dư địa mở rộng tín dụng trong 2020 sẽ không còn nhiều.

Còn trong báo cáo được Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố mới đây nhận định, BIDV bị ảnh hưởng bởi Thông tư 22, nhưng khả năng đạt chuẩn Basel II sẽ giúp Ngân hàng tránh bị ảnh hưởng bởi khía cạnh tiêu cực nhất từ Thông tư này. Điều lo ngại này cũng đã được giải quyết, khi BIDV vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đạt chuẩn Basel II trước hạn đã giúp cho ngân hàng này “giải phóng” được khá nhiều áp lực trong tương lai.

Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về BIDV cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tại BIDV ở mức 2,09%, cao thứ 2 trong danh mục các ngân hàng VCSC theo dõi (trung vị 1,55%) trong quý III, cùng với tỷ lệ các khoản nợ cần chú ý/khoản vay gộp là 2,53% (tăng 20 điểm cơ bản từ đầu năm), ảnh hưởng đến sự cải thiện lợi suất sinh lời từ việc tập trung cho vay bán lẻ.

Quan điểm của VCSC cho rằng, diễn biến nợ xấu tại BIDV là vấn đề riêng của ngân hàng này và phản ánh độ chậm trong việc đánh giá chất lượng tài sản có vấn đề.

VCSC dự báo biên lãi ròng (NIM) của BIDV sẽ giảm 23 điểm cơ bản năm 2019 và đi ngang vào năm 2020 trong bối cảnh lợi suất tài sản giảm trung bình 11 điểm cơ bản và chi phí huy động tăng trung bình 5 điểm cơ bản trong năm 2019 và 2020.

VCSC cho rằng, những rủi ro đối với BIDV đến từ việc tăng vốn để củng cố tăng trưởng, dẫn đến rủi ro pha loãng giá cổ phiếu (Ảnh minh họa/Vietnam+).

Công ty chứng khoán này cũng dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm 5 điểm cơ bản trong năm 2020. Ngân hàng có thể mua lại 279 triệu USD trái phiếu đặc biệt VAMC và xử lý trong năm nay, dẫn đến chi phí dự phòng tăng 11% so với năm trước, chi phí dự phòng chiếm 66% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng trong năm 2019.

Thông tư 22 (quy định về LDR - tỷ lệ huy động/cho vay ở mức 85%) khiến BIDV tìm kiếm các nguồn vốn huy động/giấy tờ có giá dài hạn và gia tăng chi phí huy động trong vài năm tới.

Tuy nhiên, “cái bắt tay” giữa Ngân hàng BIDV và KEB Hana Bank đã tạo nên điểm sáng giúp giảm nhẹ mối lo của BIDV trước tác động của Thông tư 22.

Cụ thể, ngày 11/11/2019 tại Hà Nội, BIDV và KEB Hana Bank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố KEB Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV.

Theo đó, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV đạt mức 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Còn về phần KEB Hana Bank, đây là đơn vị thành viên của Tập đoàn Tài chính Hana (Hana Financial Group - Hàn Quốc). Tại thời điểm 30/06/2019, KEB Hana Bank có tổng tài sản 308,2 tỷ USD (hơn 7 triệu tỷ đồng).

Về mặt dự phóng, trước tác động của Thông tư 22, VCSC dự báo tăng trưởng tín dụng từ trung bình của BIDV đạt 12% trong giai đoạn 2020-2024.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng NIM của BIDV sẽ giảm 23 điểm cơ bản trong năm 2019 và đi ngang trong năm 2020 trong bối cảnh lợi suất tài sản giảm trung bình 11 điểm cơ bản và chi phí huy động tăng trung bình 5 điểm cơ bản trong năm 2019 và 2020.

Bên cạnh đó, VCSC cho rằng, những rủi ro đối với BIDV đến từ việc tăng vốn để củng cố tăng trưởng, dẫn đến rủi ro pha loãng giá cổ phiếu. Ngoài ra, khủng hoảng ngành ngân hàng đến từ các yếu tố vĩ mô sẽ ảnh hưởng chi phí tín dụng trong bối cảnh quy mô dư nợ cho vay lớn của BIDV.

Về mặt định giá cổ phiếu, VCSC nâng giá mục tiêu của cổ phiếu BID lên mức 33.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị “kém khả quan” đối với cổ phiếu BID.

T.Hà/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn//tang-von-de-cung-co-tang-truong-bidv-doi-mat-voi-rui-ro-pha-loang-gia-co-phieu-bid-d66986.html

Bạn đang đọc bài viết Tăng vốn để củng cố tăng trưởng, BIDV đối mặt với rủi ro pha loãng giá cổ phiếu BID tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp