Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Mịt mờ ngành du lịch trong đại dịch

DTVN 18:00 08/09/2020

Sau đợt giãn cách xã hội lần 1, du lịch nội địa bắt đầu khởi sắc. Nhưng đợt dịch lần 2 bùng phát trong cộng đồng tại TP Đà Nẵng đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành "công nghiệp không khói".

Khách hủy tour, lao động thất nghiệp gánh nặng đè lên ngành du lịch

Theo báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), số liệu thống kê sơ bộ cho thấy khi dịch Covid-19 quay lại, đến nay đã có hàng chục nghìn khách du lịch hoãn, hủy tour du lịch.

Đơn cử, một số trung tâm như Hà Nội có khoảng 32.000 khách hủy tour nội địa; TP. HCM có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) đã bị huỷ.

Riêng trong tháng 8, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, homestay xác nhận tỷ lệ khách huỷ phòng đến hơn 90%, còn các đơn vị lữ hành cho biết hơn 80% khách huỷ tour và yêu cầu hoàn lại tiền 100% do tình hình diễn biến bệnh quá phức tạp.

Các doanh nghiệp cho biết, về việc hoãn, hủy tour, hiện nay các doanh nghiệp lữ hành đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn trả tiền đặt cọc dịch vụ cho khách hàng. Bởi khi khách mua mua tour, doanh nghiệp cũng phải ứng một phần tiền với các bên cung ứng dịch vụ như hàng không, nhà hàng, khách sạn... Vì vậy, khi khách đòi hoàn 100% tiền, doanh nghiệp không có khả năng để hoàn tiền do các doanh nghiệp dịch vụ du lịch đã cạn kiệt dần “nội lực” từ đợt dịch lần trước.

Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết: Việc phải hoãn, hủy tour đã gây sức ép nặng nề bởi các hãng hàng không chỉ cho hoãn hủy vé với thời gian 180 ngày, không cho hoàn trả vé, trong khi đó khách du lịch hoãn hủy tour thì đòi hoàn tiền 100%. Việc hoàn trả kinh phí cho khách đặt trước là rất khó khăn do kinh phí này cũng đã được DN lữ hành đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến theo chương trình tour.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ thông tin: Doanh thu quý II/2020 của Vietravel chỉ đạt 206 tỷ đồng, tương đương 9% doanh thu cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm 38 tỷ đồng, giảm 283% so với cùng kỳ.

“Tính trong nửa đầu năm, doanh thu của Vietravel đã giảm 72% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ đạt 996 tỷ đồng, lỗ ròng 80 tỷ đồng. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN” - ông Kỳ chia sẻ.

Các DN cung ứng dịch vụ khách sạn, nhà hàng cũng lâm vào tình trạng tương tự. Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sungroup Trần Nguyệt cho hay: Trong 6 tháng qua tổ hợp vui chơi Sunworld đã mất 3 triệu lượt khách, thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, riêng trong 2 tháng 7 và 8 Sunworld cũng mất 1 triệu khách do người dân hủy tour bởi dịch Covid-19.

Số liệu thống kê từ các DN niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX và FiinGroup cho thấy chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của các DN nhóm ngành du lịch và giải trí giảm tới 363% so với cùng kỳ. Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua bán ròng gần 2.400 nghìn cổ phiếu thuộc nhóm ngành này, với tổng giá trị bán ròng 110 tỷ đồng.

Khảo sát mới nhất của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) vừa công bố đã chỉ ra tình trạng nhân viên nghỉ việc tại các công ty tăng cao. Cụ thể, trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát có 18% đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên, 48% cho nghỉ việc từ 50% đến 80% nhân viên và 75% có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc.

Trong khi đó, chia sẻ với PLO, ông Phạm Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hòn Tằm, khi dịch COVID-19 xảy ra lần một, các công ty du lịch không tiếp cận được các gói hỗ trợ tài chính của Nhà nước. Do đó, người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng dịch cũng không được hưởng các gói hỗ trợ tài chính này. Khi dịch bùng phát lần hai, các công ty du lịch càng khó khăn hơn.

“Đơn cử, Hòn Tằm có hơn 500 lao động. Trong đợt dịch lần một, công ty đã cho nghỉ hơn 300 lao động và hỗ trợ theo mức lương tối thiểu với mong muốn họ duy trì cuộc sống và khi dịch được kiểm soát tốt họ có thể quay lại... Đây là tình hình chung của tất cả đơn vị dịch vụ du lịch chứ không riêng Hòn Tằm” - ông Nhựt nói.

Đã chuẩn bị sẵn kịch bản

Tại Hội nghị trực tuyến: “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” trong đợt dịch lần 2, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: "Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch về chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 và đang tiếp tục cùng các địa phương hoàn thiện chương trình này, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi du lịch sau đại dịch".

Về giải pháp trước mắt, ưu tiên số 1 hiện nay là các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch để có những hành động, kế hoạch linh hoạt phù hợp. Các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không, doanh nghiệp vận chuyển, lưu trú và các đơn vị cung ứng du lịch cần bắt tay giải quyết tốt các vấn đề đặt cọc, hoãn, hủy tour của khách du lịch.

"Đây là yếu tố căn bản để các bên cùng vượt qua khó khăn, phục hồi trong thời gian tới", Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay.

Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/mit-mo-nganh-du-lich-trong-dai-dich-d82091.html

Bạn đang đọc bài viết Mịt mờ ngành du lịch trong đại dịch tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp