Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Chuyên gia hiến kế cho khởi nghiệp về logistics

DTVN 17:19 29/05/2020

Lĩnh vực logistics của Việt Nam đang mở ra tiềm năng phát triển rất to lớn.

Lĩnh vực logistics của Việt Nam đang mở ra tiềm năng phát triển rất to lớn. Đây là cơ hội cho sinh viên học tại các trường đào tạo có chuyên ngành này sau khi rời ghế giảng đường sẽ làm việc, hoặc khởi nghiệp cùng với logistics, đòi hỏi cần có đủ niềm đam mê, ý chí và khát vọng...

Tiềm năng rất to lớn

Nói về tiềm năng phát triển logistics Việt Nam, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cho rằng: Xét về lịch sử phát triển, logistics là một ngành kinh tế không mới với thế giới, bởi đã có những tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực này có lịch sử phát triển tới hàng trăm năm. Nhưng đối với Việt Nam thì đang còn mới mẻ, bởi ngay cả khái niệm logistics cũng mới chỉ được sử dụng cách đây chưa đầy chục năm. Đặc biệt, logistics đang trở thành một ngành kinh tế trọng điểm, đầy tiềm năng, mở ra những cơ hội rất to lớn cho Việt Nam phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Mỗi năm có một khối lượng hàng hóa khổng lồ, trị giá trên 500 tỷ USD, được chuyển đến và rời khỏi Việt Nam. Đặc thù logistics là tích hợp đa ngành, chỉ cần hình dung ra các hoạt động hậu cần (logistics) phục vụ kết nối, vận chuyển, phân phối, lưu thông… khối lượng hàng hóa khổng lồ nêu trên ra thị trường (gồm các phương tiện vận tải, con người, kho bãi… và các dịch vụ có liên quan khác), đã có thể tạo ra được rất nhiều việc làm, doanh thu và lợi ích rất lớn cho các doanh nhân, doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế.

Xu thế phát triển kinh tế toàn cầu ban đầu dựa theo lợi thế so sánh, tức là nước này, đối tác này sản xuất, bán cái này, thì nước khác sản xuất, bán cái khác... Ngày nay, phát triển sản xuất đang hướng tới chia nhỏ hơn các phân khúc, công đoạn trong các chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng, nhất là tận dụng lợi thế cách mạng 4.0, số hóa và kinh tế số, thì lại càng chia nhỏ hơn. Khi công đoạn của các chuỗi càng chia nhỏ, càng cần đến kết nối, đó là cơ hội cho logistics phát huy vai trò. Trong tất các lĩnh vực kinh tế, ngoài lĩnh vực số hóa là tự thân của ngành này ra, thì logistics sẽ là ngành nhuốm màu kinh tế số cao nhất, rất phong phú, đa dạng về các dịch vụ kết nối.

Tương đồng với các nhận định nêu trên, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết: Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm tỷ trọng khoảng 21% GDP (trong đó chi phí vận tải chiếm 16%). Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình của thế giới chỉ là 11%. Chỉ cần làm cho chi phí logistics của Việt Nam về được ngang bằng với mức trung bình của thế giới, đã có thể mang lại cho nền kinh tế khoảng 30 tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP hiện nay.

Cần có niềm mê, ý chí, khát vọng…

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm trình độ của thế giới, đòi hỏi một quá trình, trọng trách này đặt lên vai những người làm logistics của Việt Nam hiện nay (gồm cả cơ quan nhà nước, nhà hoạch định chính sách và những người thực chiến) phải đưa ra được những quyết sách đúng đắn, phù hợp. Trong đó, yếu tố về con người đóng vai trò quyết định sự thành bại. Quá trình đào tạo nguồn nhân lực logistics, cần phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm… cho sinh viên khi rời ghế giảng đường có thể làm việc tốt nhất, hoặc khởi nghiệp thành công cùng với logistics.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, phong trào khởi nghiệp của Việt Nam đang được quan tâm, thúc đẩy, nhằm góp phần tạo việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế. Giai đoạn dân số vàng của Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm nữa, phát triển đất nước nói chung, lĩnh vực logistics nói riêng được trông chờ, kỳ vọng vào lớp trẻ, bao gồm các sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường.

Ngoài chính sách của Nhà nước, ông Võ Trí Thành khuyên sinh viên, muốn khởi nghiệp cùng logistics, cần lưu ý 3 điều:

Thứ nhất, phải có niềm đam mê, ý chí và khát vọng. Đây là một điều mang tính lý thuyết, nhưng thực tế không có niềm đam mê, ý chí, khát vọng, thì người ta sẽ làm việc không sâu sát, phấn đấu hời hợt, sợ thất bại, không quyết tâm và không dám dấn thân để đi đến tận cùng con đường mình đã lựa chọn, cho dù thất bại hay thành công.

Thứ hai, cần phải học cách tương tác, kết nối. Thế giới toàn cầu hóa là tương tác, là kết nối mới có nhiều cơ hội phát triển. Sinh viên phải phải học kỹ năng nắm bắt cơ hội và kết nối, tương tác phục vụ cho hoài bão, ước mơ của mình. Trước tiên là kết nối, tương tác với thầy cô, bạn bè… để học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Khi ra trường đi làm, hoặc khởi nghiệp phải tương tác tốt với mọi người, với đối tác, khách hàng… không chỉ để phát triển dự án, mà còn để học tập những cái hay, sáng tạo, áp dụng phát triển, kể cả là tương tác học hỏi kinh nghiệm từ những người thất bại để rút ra bài học cho riêng mình.

Thứ ba, hội nhập sâu rộng với thế giới, phải có một hành trang kiến thức, kỹ năng cần thiết để quản trị rủi ro và ứng phó với những biến động bất định ảnh hưởng đến hoạt động của mình. Tận dụng hiệu quả xu thế cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với cái nhìn không huyễn hoặc, không sợ hãi, mà coi công nghệ chỉ đơn giản là cách làm, tự tin để làm chủ công nghệ. Thế giới phát triển hướng tới những giá trị hiện đại, văn minh, thân thiện, sạch, nhân văn… cần phải có khả năng thích ứng, hội nhập và giữ bản sắc của riêng mình, nếu không rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi và thất bại.

Theo Ngọc Quỳnh/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/chuyen-gia-hien-ke-cho-khoi-nghiep-ve-logistics-139313.html

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia hiến kế cho khởi nghiệp về logistics tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp