Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Fecon báo lãi đi lùi hơn 40% trong quý IV, tuột kế hoạch năm 2019

DTVN 14:57 07/02/2020

CTCP Fecon (FCN) ghi nhận thêm khoản lỗ khác gần 19 tỷ đồng, FCN báo lãi ròng quý 4/2019 ở mức hơn 72 tỷ đồng, giảm 41% so cùng kỳ.

Fecon chỉ thực hiện 88% mục tiêu lợi nhuận 2019

CTCP Fecon (HoSE: FCN) mới đây công bố báo cáo tài chính quý 4/2019.

Theo đó, Doanh thu thuần trong quý 4/2019 của CTCP Fecon (HoSE: FCN) tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 1.255 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp báo tăng hơn 9%, đạt 186 tỷ đồng. Tương ứng biên lãi gộp ở mức 14,8%, xấp xỉ so với mức biên lãi gộp của quý 4/2018.

Doanh thu cùng chi phí tài chính trong kỳ giảm đáng kể xuống còn 7 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, tương ứng giảm 95% và 85%. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17%, chiếm 43 tỷ đồng và chi phí bán hàng cũng tăng 33% chiếm hơn 6 tỷ đồng.

Song song, Fecon cũng ghi nhận khoản lỗ 19 tỷ đồng từ hoạt động khác. Sau khi trừ các chi phí và thuế, Fecon báo lãi ròng giảm đáng kể 41% về mức 73 tỷ đồng trong quý 4/2019.

Công ty Cổ phần FECON là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm.

Thành lập ngày 18/6/2004 từ một nhóm các kỹ sư và chuyên gia đầu ngành về xử lý và thi công nền móng công trình, hệ thống thiết bị đồng bộ với những công nghệ hiện đại, đến nay FECON đã trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực nền móng công trình tại Việt Nam. FECON đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn xây dựng và phát triển hạ tầng hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025.

Tổng kết cả năm 2019, Fecon ghi nhận 3.061 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% so với năm 2018. Lãi ròng báo giảm 12% về mức 217 tỷ đồng.

Như vậy, Fecon đã vượt gần 8% kế hoạch doanh thu nhưng mới thực hiện 88% mục tiêu lợi nhuận.

Tính đến hết thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của Fecon đã tăng 22% so với đầu năm lên mức 5.744 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn tăng tới 28%.

Tổng nợ phải trả của Công ty chiếm 3.373 tỷ đồng, tăng 21% so đầu năm. Tổng vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt 745 tỷ đồng và 374 tỷ đồng, tăng 36% và 13%. Trong vay nợ tài chính dài hạn có đến 167 tỷ đồng trái phiếu phát hành.

Kỳ vọng lớn từ thị trường xây dựng hạ tầng Myanmar

Trước đó, vào nửa cuối năm 2019, Fecon ký các gói thầu trị giá trên 4 triệu USD tại thị trường Myanmar với mức lợi nhuận dự kiến từ 15% - 20%, cao hơn so với mức lợi nhuận thu được từ các dự án thực hiện tại Việt Nam.

Tiếp cận thị trường Myanmar bằng việc hợp tác với công ty Raibow Construction thành lập công ty liên doanh FECON- Rainbow năm 2016, đến nay, FECON đã có 3 năm làm quen với thị trường đầy tiềm năng này và sẵn sàng cho các cơ hội lớn.

Nhằm tấn công mạnh mẽ hơn vào mảng hạ tầng giao thông, đầu năm nay FECON cùng Công ty Trung Chính thành lập thêm liên doanh mới đó là Công ty FECON – Trung Chính Myanmar để đón đầu các cơ hội dự án hạ tầng giao thông ODA Nhật Bản tại Myanmar, trong đó gần nhất là 3 dự án cầu lớn, 2 dự án cảng và 1 dự án nâng cấp cải tạo đường sắt Yangoon - Mandalay.

Đại diện FECON cho biết, các dự án mới tại Myanmar dự kiến cho lợi nhuận ròng từ 15% - 20%, cao hơn so với các dự án tại Việt Nam, đồng thời cho biết 6 tháng cuối năm nay sẽ là khoảng thời gian rất bận rộn của thị trường xây dựng Myanmar, nhiều dự án hạ tầng sẽ được triển khai.

Bên cạnh những gói thầu đã trúng, FECON đang theo đuổi một loạt dự án cầu đường bộ, cảng và đường sắt, đa phần trong số đó là các dự án vốn ODA chính phủ Nhật Bản và do các nhà thầu đến từ Nhật Bản làm tổng thầu. FECON kỳ vọng sẽ ký khoảng 11 triệu USD doanh số từ các dự án tại Myanmar trong năm 2019 và 25 triệu USD trong năm 2020 khi nhận được 30% cơ hội trong số các dự án nêu trên.

Có thể nói, thị trường xây dựng Myanmar là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước. Với nhu cầu phát triển hạ tầng bùng phát, với thị trường non trẻ chưa quá nhiều đối thủ cạnh tranh như Myanmar, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chớp cơ hội để thâm nhập thành công như Hoàng Anh Gia Lai, Viettel hay các nhà thầu xây dựng như FECON, Hòa Bình, Trung Chính.

Theo các đơn vị này thì các công ty xây dựng Việt Nam có khá nhiều lợi thế cạnh tranh như: khả năng thiết kế tối ưu hóa, năng lực quản lý dự án, chi phí nhân công và đặc biệt là khá tương đồng văn hóa với Nhật Bản và Myamar khi mà các Nhà thầu nổi tiếng Nhật Bản đang thống lĩnh thị trường tại đây.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/fecon-bao-lai-di-lui-hon-40-trong-quy-iv-tuot-ke-hoach-nam-2019-d69824.html

Bạn đang đọc bài viết Fecon báo lãi đi lùi hơn 40% trong quý IV, tuột kế hoạch năm 2019 tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp