Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Điểm sáng ngành khu công nghiệp quý 1/2020 sau bão Covid-19

DTVN 16:29 15/05/2020

Doanh nghiệp ngành Khu công nghiệp được xem là bắt đầu hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa, các nhà máy, khu công nghiệp đang dần dịch chuyển vào Việt Nam

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc

Theo VNDIRECT chiến tranh Mỹ - Trung có nhiều biến chuyển khả quan trong giai đoạn nửa cuối năm 2019 khiến dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam chậm lại và làm chậm xu hướng chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc. Nhưng sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc tái khởi động

Có thể thấy Apple đang gặp khó khăn trong quý 1 với doanh thu chỉ đạt 63 tỷ USD, giảm 25% so với con số dự báo trước đó do các nhà máy tại Trung Quốc ngừng hoạt động. Tuy nhiên, một số công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất khi dịch Covid-19 bùng phát vì các nhà máy của họ được đặt bên ngoài Trung Quốc như Samsung với các nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam vẫn duy trì hoạt động ở công suất cao.

Điều đó đã tạo ra một xu hướng mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi trong ASEAN. Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan.

Theo thông tin từ Nikkei, Google dự kiến sẽ bắt đầu bán dòng điện thoại Pixel4A và Pixel5 với một phần được sản xuất tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2020. Google cũng sẽ bắt đầu bán loa thông minh Nest Mini được sản xuất tại Thái Lan cuối năm nay. Microsoft dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất dòng máy tính Surface, gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay tại Việt Nam trong Q2/20.

VNDIRECT tin rằng Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp và ngành BĐS Khu công nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 nhờ làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận lãi bứt phá

Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi – mã chứng khoán SNZ) công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 1 đạt 1.078 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, trong khi chi phí giá vốn chỉ tăng 3,2% nên lợi nhuận gộp thu về đạt hơn 414 tỷ đồng, tăng 24,7% so với quý 1/2019.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu kinh doanh KCN đạt 293 tỷ đồng, đóng góp khoảng 27% tổng doanh thu và tăng 66% so với cùng kỳ. Doanh thu mảng cung cấp nước sạch đạt 276 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Doanh thu kinh doanh nhà và hạ tầng, dịch vụ cảng, xử lý chất thải và doanh thu khác đều giảm so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính đạt hơn 50,6 tỷ đồng, tăng gần 5 tỷ đồng so với cùng kỳ, chủ yếu là thu lãi tiền gửi. Chi phí tài chính hơn 38 tỷ đồng, giảm được 26 tỷ đồng so với quý 1 năm ngoái chủ yếu do giảm lỗ tỷ giá và giảm chi phí tài chính khác.

Trên BCTC công ty thể hiện, tính đến hết quý 1/2020 Sonadezi ghi nhận ngoài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng (255 tỷ đồng), còn có 876 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng (giảm 163 tỷ đồng so với đầu năm) và khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 12 tháng với số tiền hơn 3.400 tỷ đồng (tăng 520 tỷ đồng so với đầu năm).

Tổng nợ phải trả đến cuối năm 10.430 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 839 tỷ đồng (giảm 105 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 2.917 tỷ đồng. Tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn hơn 3.756 tỷ đồng. Cơ cấu nợ phải trả trên nguồn vốn chiếm 56,9%.

Trừ các loại chi phí phát sinh, quý 1 Sonadezi ghi nhận lãi sau thuế 270,6 tỷ đồng, tăng 51% so với lợi nhuận đạt được quý 1 năm ngoái. Trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 153 tỷ đồng.

Năm 2020 Sonadezi đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 4.584 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt hơn 1.143 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế khoảng gần 915 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý 1 Sonadezi hoàn thành 23,5% kế hoạch doanh thu và 29,6% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Tính đến hết quý 1/2020 Sonadezi còn 1.078 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn hơn 430 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, 15 tỷ đồng trong quỹ khác thuộc chủ sở hữu, 182 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu và 107 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1 tăng trưởng nữa là Long Hậu (LHG) với doanh thu tăng trưởng xấp xỉ 20% lên hơn 206 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 15% so với quý 1 năm ngoái.

Nguyên nhân lợi nhuận quý 1 vừa qua tăng mạnh, do doanh thu tăng, giá vốn tăng ít hơn tỷ lệ tăng doanh thu. Trong đó 2 mang kinh doanh mang lại lợi nhuận gộp lớn nhất cho công ty là phát triển cơ sở hạ tầng và cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú đều tăng trưởng so với cùng kỳ.

Nam Tân Uyên (NTC) – doanh nghiệp thường được nhắc đến nhất trong ngành khu công nghiệp bởi không chỉ kết quả kinh doanh tốt, trả cổ tức tỷ lệ cao, mà còn là một trong những doanh nghiệp có giá cổ phiếu thuộc TOP trên của sàn. Hiện NTC đang giao dịch quanh mức 179.000 đồng/cổ phiếu – tăng so với thời điểm đầu năm 2020 bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh lên sàn chứng khoán.

Kết quả cụ thể, quý 1 Nam Tân Uyên đạt hơn 85 tỷ đồng doanh thu, tăng 22,4% so viowsi cùng kỳ. EPS đạt 5.336 đồng. Trong đó doanh thu từ hoạt động tài chính đạt hơn 77 tỷ đồng – chủ yếu là tăng lãi tiền gửi và cổ tức được nhận.

Nam Tân Uyên cũng là một trong số ít doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1 tăng trưởng so với quý 4/2019 ngay trước đó như Long Hậu và Gemadept (GMD).

Nếu xét doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất so với cùng kỳ phải kể đến Tân tạo (ITA) với số lãi quý 1 đạt 25,4 tỷ đồng, gấp 4,3 lần lợi nhuận đạt được quý 1 năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất theo quý công ty đạt được từ năm 2011 tới nay nhờ doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại KCN Tân Tạo và KCN Tân Đức.

Quý 1 đã khép lại với nhiều biến động lên tất cả các ngành nghề kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh – là một cơ hội mới để Việt Nam đón nhận các khoản đầu tư từ nước ngoài trong khi nhiều nước khác đang vật lộn chống lại dịch bệnh.

Những doanh nghiệp ngành Khu công nghiệp cũng có thể được xem là bắt đầu hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa, các nhà máy, khu công nghiệp đang dần dịch chuyển vào Việt Nam.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/diem-sang-nganh-khu-cong-nghiep-quy-1-2020-sau-bao-covid-19-d75679.html

Bạn đang đọc bài viết Điểm sáng ngành khu công nghiệp quý 1/2020 sau bão Covid-19 tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp