Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Công ty bê tông Thăng Long: Tiếp tục hát 'bài ca' phớt lờ lệnh tháo dỡ trạm trộn

Mai Hương 09:01 04/04/2020

Nhiều lần bị chính quyền địa phương ra văn bản xử lý, yêu cầu dừng hoạt động, di dời, nhưng Công ty CP bê tông Thăng Long vẫn ngang nhiên hoạt động.

"Bài ca" khất lần của Công ty CP Đầu tư bê tông Thăng Long

Tại thôn 6, xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) đang tồn tại một trạm trộn bê tông không phép của Công ty CP Đầu tư bê tông Thăng Long. Như Kiến Thức đã phản ánh trước đó, người dân xã Tiến Xuân rất bức xúc vì trạm trộn bê tông của công ty Thăng Long ngang nhiên hoạt động bất chấp yêu cầu buộc dừng hoạt động, di rời của chính quyền.

Cụ thể, trên diện tích hàng nghìn m2, công ty bê tông Thăng Long đã xây dựng 03 silo xi măng, máy trộn, phễu cấp liệu, trạm cân, nhà điều hành. Hàng ngày, người dân đi lại qua địa phận tại thôn 6, xã Tiến Xuân vẫn chứng kiến những chiếc xe chở bê tông ra vào chắn cả đường đi rất nguy hiểm.

Được biết, diện tích đất công ty bê tông Thăng xây dựng trạm trộn có nguồn gốc là đất quốc phòng (Trại sản xuất nông nghiệp C5) thuộc Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh pháo binh quản lý.

Trước sự phản ánh nhiều lần của cơ quan báo chí, trạm trộn bê tông này bị buộc tạm dừng hoạt động và di dời máy móc để trả lại mặt bằng từ năm 2019. Bộ Tham mưu đã yêu cầu công ty bê tông Thăng Long dừng mọi hoạt động các trạm trộn trên đất của đơn vị và đến ngày 31/12/2019 phải tháo dỡ và bàn giao lại mặt bằng cho đơn vị quản lý.

Xe bồn chở bê tông vẫn ra vào trạm bê tông Thăng Long dù đã có lệnh dừng hoạt động từ năm 2019. Ảnh: Kiến Thức

Tuy nhiên, vào ngày 19/2/2020, phớt lờ lệnh tháo dỡ, công ty bê tông Thăng Long vẫn hoạt động hết công suất. Tại khu vực trạm trộn, hàng chục xe bồn vẫn trực và ra vào trạm trộn để chở bê tông. Thậm chí công ty này còn lập riêng téc xăng dầu ngay tại khu vực trạm trộn để “tiện” phục vụ cho các xe bồn.

Đến ngày 31/3/2020, theo ghi nhận của PV Kiến Thức, trạm trộn bê tông vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức chính quyền và Bộ tư lệnh pháo binh.

Tiếp tục, ngày 18/2/2020, UBND xã Tiến Xuân có công văn về việc yêu cầu Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh, đơn vị Trại Sản xuất nông nghiệp C5 thực hiện đúng nội dung đã thống nhất với UBND xã Tiến Xuân tại hội nghị ngày 18/10/2019, yêu cầu Công ty Thăng Long ngừng mọi hoạt động sản xuất bê tông, tháo dỡ toàn bộ trạm trộn, di dời tất cả các nguyên vật liệu, khắc phục các hậu quả về môi trường và trả lại hiện trạng như ban đầu của diện tích đất trên trong thời gian 7 ngày (kể từ ngày 20/2/2020 đến hết ngày 26/02/2020).

Tuy nhiên, đến ngày 17/3 (theo ghi nhận của PV Kiến Thức) Công ty bê tông Thăng Long vẫn chưa thực hiện tháo dỡ các hạng mục vi phạm, trả lại hiện trạng của khu đất.

Đến ngày 5/3/2020, về phía Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo Binh cũng ra văn bản về buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh, Trại trưởng trại sản xuất nông nghiệp C5 và lãnh đạo Công ty cổ phần bê tông Thăng Long. Văn bản ghi rõ, Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh làm việc với lãnh đạo Công ty CP bê tông Thăng Long về việc chấp dứt hợp đồng mượn đất giữa Công ty Thăng Long với Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh.

Đồng thời, Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh cũng yêu cầu phía Công ty Thăng Long dừng hoạt động trạm trộn bê tông Thăng Long và tháo dỡ toàn bộ công trình từ ngày 8/3/2020 và trả lại mặt bằng nguyên trạng trước ngày 31/3/2020.

Thế nhưng, thời điểm ghi nhận tại hiện trường ngày 17/3, trạm trộn bê tông Thăng Long vẫn hoạt động và những xe bồn chở bê tông vẫn ra vào bình thường.

Ngày 19/3/2020, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân tiếp tục có văn bản báo cáo lên UBND huyện Thạch Thất xin ý kiến về việc xử lý dứt điểm việc trạm trộn bê tông của Công ty bê tông Thăng Long trên đất Quốc phòng thuộc Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh quản lý.

Đây đã là văn bản thứ bao nhiêu ngay cả ông Long cũng không nhớ nổi và chỉ nói là rất nhiều lần ra văn bản với Công ty CP Thăng Long về việc tháo dỡ, di dời. Nhưng ghi nhận ngày 31/3, trạm trộn bê tông Thăng Long vẫn hoạt động bình thường và không thấy dấu hiệu nào tháo dỡ và di dời như văn bản phía Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh hay văn bản của xã Tiến Xuân đưa ra trước đó.

Trạm trộn bê tông Thăng Long vẫn hoạt động (ảnh chụp ngày 31/3). Ảnh: Kiến Thức

Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh lại không thực sự quyết đoán?

Ông Đinh Công Long - Chủ tịch xã Tiến Xuân tỏ vẻ bất lực: Xã Tiến Xuân đã ra rất nhiều văn bản về việc yêu cầu Công ty CP Thăng Long tháo dỡ, di dời trả lại mặt bằng cho Trại sản xuất nông nghiệp C5 thuộc Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh pháo binh.

Theo ông Long, công trình sai phạm của Công ty CP Thăng Long thuộc đất của Quốc phòng quản lý (Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh,Trại sản xuất nông nghiệp C5 -PV). Do vậy, chính quyền xã chỉ còn cách ra văn bản đôn đốc Công ty CP Thăng Long sớm tháo dỡ để trả lại hiện trạng đất cho Quốc phòng. "Nếu là đất do địa phương quản lý thì chúng tôi đã cho tiến hành cưỡng chế lâu rồi", ông Long bức xúc.

Ông Long cho rằng, địa phương đã rất quyết liệt để phối hợp giải quyết sự việc nhưng phía Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh lại không thực sự quyết đoán. Việc chính quyền xã phối hợp với Bộ tham mưu rất khó.
Ông Long nói: Việc Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh có Công ty Tân Mai thuê đất và công ty này lại cho Công ty Thăng Long thuê lại để sản xuất bê tông trộn. Những người chịu trách nhiệm ký hợp đồng cho thuê đất phía Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh đã nghỉ hưu nên sự việc mới kéo dài đến hôm nay.
Như vậy, việc để trạm trộn bê tông hoạt động bất chấp sai phạm trong thời gian dài khiến dư luận đặt ra câu hỏi, không lẽ chính quyền xã Tiến Xuân, chính quyền huyện Thạch Thất "bất lực" trước sai phạm? và cả Bộ tư lệnh pháo binh, Bộ Quốc phòng cũng "bó tay" với sai phạm của công ty này? Lý do gì khiến các đơn vị không cương quyết xử lý triệt để, dứt điểm sai phạm?

PV Kiến Thức có trao đổi với Luật sư Tống Thị Giang thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Luật sư Giang nêu quan điểm: Việc Công ty CP Thăng Long thuê đất quốc phòng, ở đây là thuộc Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh lại sử dụng không đúng mục đích như hợp đồng cam kết. Hệ quả là phía Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh pháo binh đơn phương chấp dứt hợp đồng.

Ở đây cũng cần phải làm rõ việc cho thuê đất có đúng hay không? nếu không trách nhiệm thuộc về ai? việc này phía Bộ tư lệnh pháo binh sẽ phải xem xét, truy cứu.

Luật sư Giang nói thêm, thực tế như phản ánh, hiện nay Công ty CP bê tông Thăng Long bất chấp không di dời mà chây ì, hoạt động trạm bê tông trên dù đã bị buộc dừng hoạt động, tháo dỡ, di dời từ năm 2019, Công ty CP bê tông Thăng Long bắt buộc phải di dời và có thể bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cong-ty-be-tong-thang-long-tiep-tuc-hat-bai-ca-phot-lo-lenh-thao-do-tram-tron-d72954.html

Bạn đang đọc bài viết Công ty bê tông Thăng Long: Tiếp tục hát 'bài ca' phớt lờ lệnh tháo dỡ trạm trộn tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp