Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Dự án Danko City ở Thái Nguyên: Cẩn trọng khi xuống tiền đầu tư

Lan Anh/ Sở hữu trí tuệ 16:52 25/03/2020

Trước khi được Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận cho đầu tư (ngày 11/11/2019) thì dự án Danko City đã tiến hành lễ động thổ rầm rộ, san lấp trái quy định (ngày 28/7/2019).

Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt thông tin quảng cáo trên thị trường về các sản phẩm dự án bất động sản, nhà ở, đất nền, biệt thự xung quanh dự án của Danko City ở Thái Nguyên.

Theo thông tin quảng cáo, khu đô thị mang “đẳng cấp châu Âu” của Danko có mật độ xây dựng chỉ 37,3%, gồm các hạng mục xa hoa như công viên, quảng trường ánh sáng, nhạc nước, phố đi bộ, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, trung tâm thể thao, hồ mắt rồng, bến du thuyền...

Dự án Danko City Thái Nguyên có nhiều vi phạm khi quảng cáo chào bán rầm rộ

Dự án có sản phẩm đa dạng như đất nền, biệt thự, liền kề, trong đó có 832 căn shophouse, 638 liền kề, 115 biệt thự…

Đến nay, đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành việc san lấp mặt bằng, đang thi công cấp tập các tuyến đường nội bộ trong dự án Danko City. Một số công trình nhà ở hai tầng rộng hàng nghìn mét vuông đã “mọc” chễm trệ trên đất, được đơn vị bán hàng dùng để giới thiệu dự án và thực hiện các hoạt động kinh doanh bán bất động sản.

Được biết, tháng 5/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, tại tổ 3, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên. Danko Group được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án có quy mô đất 50 ha với tổng mức đầu tư tới 1.300 tỉ đồng này theo hình thức chỉ định thầu.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Danko City, trong vòng 48 tháng, chủ đầu tư sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực dự án, cây xanh, các dãy nhà ở kết hợp thương mại cùng các hạng mục công trình công cộng. Quy hoạch được duyệt cũng bao gồm xây dựng khu nhà ở đô thị, nhà ở xã hội theo quy định về bố trí đất phù hợp tại dự án nhà ở thương mại.

Thế nhưng, khi chưa có Quyết định giao đất, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ngày 28/7/2019, Danko Group đã tổ chức động thổ thi công dự án Khu nhà ở Cao Ngạn. Lễ động thổ trái quy định này còn có sự tham dự của khá nhiều lãnh đạo TP Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên.

Tài liệu của PV cho thấy, ngày 21/6/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên có tờ trình số 84/TTr-UBND gửi Bộ TN&MT về việc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích 49,35 ha đất trồng lúa để thực hiện 3 dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có dự án Danko City. Ngày 4/11/2019, Bộ TN&MT có công văn số 5710/BTNMT-TCQLĐĐ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 14,33 ha đất trồng lúa thực hiện dự án Danko City. Sau đó, ngày 20/11/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có văn bản đồng ý UBND tỉnh Thái Nguyên được chuyển đổi mục đích sử dụng 14,33 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để làm dự án.

Trong tháng 11/2019, Bộ Xây dựng mới có văn bản cho ý kiến chấp thuận đầu tư dự án Danko City và Bộ cũng lưu ý dự án này có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Quy mô dân số dự án Khu nhà ở Cao Hà (chưa tính đến các hộ dân sinh sống tại khu vực đất ở hiện trạng cải tạo) là 7.956 người, tương đương 1.989 hộ dân mới, chiếm khoảng 79% tổng dân số toàn khu.

Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cần rà soát, xác định quy mô dân số, diện tích sử dụng đất ở, số lượng căn hộ và quy đổi dân số tại dự án bảo đảm phù hợp quy hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đến ngày 20/1/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên mới có Quyết định số 231/QĐ-UBND quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Danko City.

Đến thời điểm này, khi tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư. Như vậy, dù chưa được giao đất và Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt, Danko vẫn ngang nhiên thi công rầm rộ, xây dựng công trình văn phòng ngay trên “đất lúa”.

Cũng vì thế, mọi hoạt động kinh doanh bán hàng, giao dịch và nhận tiền của khách hàng để bán nhà “trên giấy” là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Trả lời với báo chí cách đây chưa lâu, ông Hoàng Đức Khánh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên thừa nhận, dự án Danko City chưa được phép khởi công. Việc chủ đầu tư tổ chức động thổ trái quy định, lãnh đạo Sở đã yêu cầu UBND TP Thái Nguyên xử lý nghiêm theo quy định. Thành phố đang tổ chức kiểm tra xử lý. Mọi việc tổ chức thi công trên mặt bằng xây dựng là không đúng, vi phạm đến đâu thì cơ quan có thẩm quyền xử lý đến đó.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến tháng 8/2019, Tập đoàn Danko có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, do ông Trần Hữu Sử làm Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, công ty này chỉ có 17.700.000 cổ phần, mỗi cổ phần mệnh giá 10.000 đồng. Trong đó Chủ tịch Trần Hữu Sử nắm 17.650.000 cổ phần (tương ứng tỷ lệ sở hữu 98,05%). 50.000 cổ phần còn lại thuộc quyền sở hữu của cổ đông Nguyễn Tôn Dũng.

Tập đoàn Danko được thành lập vào tháng 7/2012 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH MTV Cao su Phương Tân Thành có trụ sở tại tỉnh Bình Dương. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 1,5 tỷ đồng và do bà Phạm Thị Phượng làm chủ sở hữu.

Tháng 4/2015, Công ty này có sự thay đổi khi bà Phạm Thị Phượng không còn là chủ sở hữu. Đồng thời công ty tăng vốn điều lệ lên 5 tỷ đồng và chuyển trụ sở về tỉnh Bắc Ninh. Lúc này, xuất hiện 5 cổ đông, trong đó ông Trần Hữu Sử sở hữu 58,33% vốn điều lệ (tương đương gần 3,5 tỷ đồng).

Đến tháng 6/2015, công ty tiếp tục chuyển trụ sở về địa chỉ A12, BT2, Khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm,Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ đăng ký thường trú của ông Trần Hữu Sử. Ngoài ra, Tập đoàn Danko cũng tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng và ông Trần Hữu Sử tăng tỷ lệ sở hữu lên 95%.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đang thờ ơ, bao che cho những sai phạm của chủ đầu tư dự án
Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Tập đoàn Danko được thành lập vào ngày 13/7/2012, người đại diện theo pháp luật và đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Danko là ông Trần Hữu Sử. Doanh nghiệp này ban đầu có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, sau nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp là 400 tỷ đồng.
Danko Group là Tập đoàn kinh tế tư nhân, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư và cung cấp dịch vụ bất động sản. Website của Công ty này cho biết, sau một năm chuyển hướng tập trung vào đầu tư và kinh doanh bất động sản, Danko đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, mở rộng phạm vi với các dự án hợp tác phát triển nổi bật như: FLC Sầm Sơn, FLC Star Tower, Goldmark City, Euro Window River Park, Tứ Hiệp Plaza, Rivera Park...
Việc trúng dự án gần 1.300 tỷ đồng tại Thái Nguyên được coi là “bước đệm” khiến Danko chuyển mình từ chuyên môi giới sang đầu tư trực tiếp vào các dự án địa ốc. Tuy nhiên, trước những lùm xùm đang xảy ra tại dự án Danko City khiến nhiều khách hàng e ngại lựa chọn dự án này để đầu tư.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/du-an-danko-city-o-thai-nguyen-can-trong-khi-xuong-tien-dau-tu-d72371.html

Bạn đang đọc bài viết Dự án Danko City ở Thái Nguyên: Cẩn trọng khi xuống tiền đầu tư tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc